Tác dụng phụ đặc trưng của các nhóm thuốc huyết áp phổ biến - THÔNG TIN THUỐC

THÔNG TIN THUỐC

Chia sẻ thông tin thuốc, tư vấn sử dụng thuốc, cảnh giác dược.

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Sunday, March 12, 2017

Tác dụng phụ đặc trưng của các nhóm thuốc huyết áp phổ biến

Tác dụng phụ hay tác dụng không mong muốn của thuốc huyết áp là vấn đề người bệnh cao huyết áp hết sức quan tâm bởi vì người bệnh thường phải uống thuốc hàng ngày do đặc điểm của bệnh. Không có thuốc huyết áp hoàn hảo tuy nhiên mỗi loại thuốc huyết áp lại có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Tùy thuộc tình trạng bệnh, tùy thuộc mức độ đáp ứng với thuốc mà bác sỹ  lựa chọn thuốc huyết áp tốt nhất cho bệnh nhân. Một trong những căn cứ để lựa chọn đó là nghiên cứu tác dụng phụ của các thuốc huyết áp. Dưới đây là một số tác dụng phụ đặc trưng của các nhóm thuốc huyết áp phổ biến.

Thuốc huyết áp loại nào cũng có tác dụng phụ cần cân nhắc trước khi sử dụng
Thuốc huyết áp loại nào cũng có tác dụng phụ cần cân nhắc trước khi sử dụng

1. Tác dụng phụ của thuốc huyết áp nhóm chẹn kênh Calci


Nhóm thuốc chẹn kênh Calci cho đến thời điểm này vẫn là nhóm thuốc huyết áp được sử dụng phổ biến nhất. Một số đại diện điển hình trong nhóm là Nifedipin (Adalat) và Amlodipin (Amlor).

Giữa Nifedipin và amlodipin người ta hay sử dụng amlodipin hơn do tác dụng hạ huyết áp êm dịu hơn (nifedipin hay gây hạ huyết áp quá mức). Đồng thời Amlodipin có thời gian bán thải dài, vì vậy người bệnh chỉ cần uống thuốc 1 lần mỗi ngày là đáp ứng được yêu cầu kiểm soát huyết áp.

Tác dụng phụ thường gặp nhất của Amlodipin là gây phù cổ chân từ nhẹ đến trung bình.

2. Tác dụng phụ của thuốc huyết áp nhóm ức chế men chuyển


Nhóm thuốc ức chế men chuyển cũng là một trong những nhóm thuốc điều trị huyết áp phổ biến nhất. Một số đại diện trong nhóm này có thể kể tới là Perindopril (Coversyl), Enalapril (Enyd), Lisinopril,...

Thuốc huyết áp nhóm ức chế men chuyển được xem như thuốc lựa chọn đầu tiên điều trị huyết áp nguyên phát, đặc biệt tăng huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường.

Tác dụng không mong muốn thường gặp và đặc trưng ở nhóm thuốc ức chế men chuyển là gây ho khan. Đặc điểm là ho khan từng cơn thường vào buổi đêm và có kèm theo ngứa họng.

3. Tác dụng phụ của thuốc huyết áp nhóm lợi tiểu


Thuốc lợi tiểu thông thường không dùng đơn độc để hạ huyết áp mà thường dùng phối hợp với các nhóm thuốc khác để tăng hiệu quả đồng thời hạn chế tác dụng không mong muốn.

Hay được sử dụng nhất để điều trị tăng huyết áp là nhóm thiazid (clorothiazid, hydroclorothiazid) phối hợp với các thuốc huyết áp khác để dùng duy trì hàng ngày. Furosemid (lasix) có tác dụng lợi tiểu mạnh, thường dùng điều trị phù, tăng huyết áp khi có tổn thương thận.

Tác dụng phụ của các thuốc huyết áp nhóm lợi tiểu kể trên là gây hạ kali máu do làm tăng thải trừ muối, nước qua đường niệu.

4. Tác dụng phụ của nhóm thuốc huyết áp chẹn bê ta


Thuốc chẹn beta kinh điển là các thuốc chẹn beta không chọn lọc, điển hình là propranolol. Thuốc có tác dụng hạ huyết áp do giảm nhịp tim, giảm sức co bóp cơ tim, giảm cung lượng tim.

Do ức chế không chọn lọc nên propranolol ức chế trên cả thụ thể beta 2 có mặt tại cơ trơn khí, phế quản. Điều này dẫn tới tác dụng gây co thắt cơ trơn đường hô hấp của propranolol. Vì vậy mà các thuốc chẹn beta không chọn lọc như propranolol chống chỉ định đối với bệnh nhân hen phế quản.

Ngày nay với sự ra đời của các thuốc chẹn beta thế hệ mới, các thuốc chẹn beta kinh điển đã ít được sử dụng hơn.

Trên đây là một số tác dụng phụ đặc trưng của các thuốc huyết áp phổ biến. Không có thuốc huyết áp tốt tuyệt đối. Thuốc huyết áp nào cũng có tác dụng phụ. Các bác sỹ luôn cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích khi sử dụng để có chỉ định thuốc huyết áp tốt nhất cho bệnh nhân của mình.

Post Bottom Ad