Các thuốc ức chế bơm Proton (PPIs) là các thuốc làm giảm tiết acid dạ dày bằng cách ức chế hệ thống enzym H+/K+-ATPase (bơm proton) của tế bào thành dạ dày. Các thuốc ức chế bơm proton thường được phối hợp để điều trị các bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng hay trào ngược dạ dày, thực quản.
Các thuốc ức chế bơm proton thường dùng kéo dài vì thế cần lưu ý tác dụng phụ |
1. Các thuốc ức chế bơm proton phổ biến
- Omeprazol: Biệt dược Prilosec, Losec
- Esomeprazole: Biệt dược Nexium, Esomeprazol Sandoz
- Lansoprazole: Biệt dược Prevacid, La Sante
- Dexlansoprazole: Biệt dược Dexilent, Dexilant
- Rabeprazole: Biệt dược Aciphex, Rabimap
- Pantoprazole: Protonix, Pansec
2. Các tác dụng phụ phổ biến của các thuốc ức chế bơm proton
Các tác dụng phụ thường gặp nhất của các thuốc ức chế bơm proton:
- Đau đầu
- Tiêu chảy
- Táo bón
- Đau bụng
- Sốt
- Đầy hơi
- Nôn
- Buồn nôn
- Phát ban
Các thuốc ức chế bơm proton có thể làm tăng nguy cơ nhiễm Clostridium difficile ở ruột già. Liều cao và sử dụng kéo dài (1 năm trở lên) có thể gây tác dụng phụ làm tăng nguy cơ gãy xương hông, cổ tay hoặc cột sống liên quan đến loãng xương. Sử dụng các thuốc ức chế bơm proton lâu dài cũng làm giảm hấp thu vitamin B12.
Sử dụng thuốc ức chế bơm proton lâu dài cũng khiến cơ thể thiếu magie. Điều này dẫn đến những hệ lụy khác, đặc biệt là sức khỏe tim mạch.
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng khác của các thuốc ức chế bơm proton có thể kể tới:
- Dị ứng nghiêm trọng
- Hội chứng Stevens-Johnson
- Hoại tử thượng bì nhiễm độc
- Giảm chức năng thận
- Viêm tụy
- Suy giảm chức năng gan
Trên đây là một số tác dụng phụ phổ biến của các thuốc ức chế bơm proton. Đây là nhóm thuốc rất quan trọng trong điều trị hoặc dự phòng các bệnh lý viêm loét dạ dày, tá tràng, ung thư dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản. Đây là nhóm thuốc có đặc thù thường phải sử dụng kéo dài vì thế việc tìm hiểu tác dụng phụ để có phác đồ điều trị phù hợp cũng như có biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng.