Cảnh báo tình trạng truyền dịch bừa bãi - THÔNG TIN THUỐC

THÔNG TIN THUỐC

Chia sẻ thông tin thuốc, tư vấn sử dụng thuốc, cảnh giác dược.

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Monday, October 9, 2017

Cảnh báo tình trạng truyền dịch bừa bãi

Tình trạng truyền dịch bừa bãi là tình trạng sử dụng sai cách, sai mục đích một cách tùy tiện và phổ biến các loại thuốc tiêm truyền.

Tình trạng sử dụng dịch truyền hiện nay bừa bãi và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Tình trạng sử dụng dịch truyền hiện nay bừa bãi và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

1. Thuốc tiêm truyền là gì?

Thuốc tiêm truyền thường là dạng dung dịch thuốc dùng để đưa vào cơ thể theo đường tĩnh mạch với thể tích lớn. Loại này trong suốt, không màu hoặc có màu. Đôi khi các bạn thấy có loại dịch truyền màu trắng đục như sữa, đấy là dạng nhũ tương dầu trong nước, ví dụ nhũ tương dầu đậu nành.

Ứng dụng lớn nhất của thuốc tiêm truyền là bù nước và điện giải cho cơ thể, ví dụ các dụng dịch NaCl 0,9% (nước muối biển), Glucose 5%, Ringerlactart,....Một số loại dịch truyền cung cấp vitamin và khoáng chất, acid amin (Vitaplex, Alvesin,...). Bên cạnh đó dịch truyền còn giúp đưa thuốc vào cơ thể, ví dụ dịch truyền kháng sinh. Ngoài ra một số loại dịch truyền còn giúp ổn định huyết áp, chống trụy mạch khi người bệnh mất máu nặng. Trong trường hợp người bệnh không ăn uống được thì có loại dịch truyền cung cấp năng lượng để duy trì sự sống (nhũ tương lipid).

Thuốc tiêm truyền có đặc điểm là đi thẳng vào mạch máu, không qua các hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể, đồng thời lại sử dụng với thể tích lớn. Vì thế yêu cầu đối với thuốc tiêm truyền rất khắt khe. Việc sử dụng thuốc tiêm truyền cũng cần thận trọng. Tuy nhiên trong thực tế ở nước ta, việc sử dụng dịch truyền hiện nay rất bừa bãi.

2. Tình trạng sử dụng dịch truyền bừa bãi

Nhiều người còn nghĩ rằng dịch truyền là thuốc bổ, cứ ốm đau, mệt mỏi là đi truyền đạm, truyền nước muối biển hay truyền đường. Đây là quan niệm hết sức sai lầm, dịch truyền không bổ béo gì đáng kể. Thực tế việc truyền một chai dịch nói chung không hơn gì uống một chai Oresol hay một cốc sinh tố hoa quả. Nhiều người truyền dịch xong cảm thấy khỏe ra chẳng qua là do tác động của yếu tố tâm lý.

Kỹ thuật tiêm truyền nói chung không quá phức tạp vì vậy tình trạng lạm dụng truyền dịch phổ biến ở nhiều vùng nông thôn, thị trấn. Ở rất nhiều nơi, thậm chí người ta còn đến tận nhà truyền cho người có nhu cầu, cắm kim truyền xong rồi tiếp tục đi "phục vụ" chỗ khác.

3. Nhiều tai biến xảy ra khi truyền dịch

Truyền dịch không đúng kỹ thuật có thể làm chệch ven gây đau, loét, vỡ tĩnh mạch làm bầm tím tại nơi chọc tĩnh mạch. Dùng thuốc tiêm truyền bừa bãi có thể gây rối loạn điện giải, phù, tràn dịch màng bụng, phù phổi, suy hô hấp, suy tim, tăng huyết áp đột ngột. Những tại biến này có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho người bệnh.

Sốc do truyền dịch là hiện tượng không hiếm gặp. Sốc do truyền dịch do nhiều nguyên nhân, có thể do cơ địa dị ứng với thành phần dịch truyền, có thể do dụng cụ tiêm truyền không đảm bảo. Sốc cũng có thể do tốc độ truyền dịch không đúng quy định. Nếu không có cán bộ y tế theo dõi, phát hiện và xử lý chống sốc kịp thời, tỷ lệ tử vong do sốc rất cao.

Tóm lại không nên tùy tiện truyền dịch bởi vì 2 lý do. Thứ nhất là việc truyền dịch không có lợi ích nhiều như nhiều người vẫn tưởng. Nếu chức năng tiêu hóa không vấn đề gì thì tốt nhất nên bổ sung nước, điện giải hay vitamin, chất dinh dưỡng bằng đường ăn uống. Thứ hai, việc truyền dịch tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, trong đó có sốc phản vệ. Đã từng có nhiều người  mắc bệnh xoàng xĩnh cũng tử vong một cách lãng nhách chỉ vì truyền dịch. 

Post Bottom Ad