Trẻ co giật do sốt có nên uống Gardenal? - THÔNG TIN THUỐC

THÔNG TIN THUỐC

Chia sẻ thông tin thuốc, tư vấn sử dụng thuốc, cảnh giác dược.

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Sunday, October 15, 2017

Trẻ co giật do sốt có nên uống Gardenal?

Trẻ bị co giật do sốt, các nhân viên y tế thường cho trẻ uống các thuốc an thần gây ngủ như Gardenal hay Seduxen. Biện pháp xử trí co giật do sốt ở trẻ như thế này hết sức phổ biến. Tuy nhiên gần đây các chuyên gia y tế khuyến cáo xử trí như vậy là không nên.

Co giật do sốt cao không nên dùng Gardenal
Co giật do sốt cao không nên dùng Gardenal

1. Đặc điểm tình trạng co giật do sốt ở trẻ em

Co giật do sốt cao đơn thuần là co giật toàn thân ngắn (dưới 15 phút) xảy ra 1 lần trong 24 giờ ở trẻ bị sốt. Không nhiễm trùng nội sọ, không rối loạn chuyển hóa hoặc tiền sử co giật do sốt cao (1).

Co giật do sốt ở trẻ em thường gặp ở lứa tuổi từ 6 tháng tuổi cho đến 5 tuổi. Tình trạng này là khá phổ biến và lành tính. Tất cả các trường hợp co giật do sốt cao đơn thuần được ghi nhận đều có tiên lượng tốt, không để lại di chứng gì. Không có bằng chứng nào cho thấy co giật do sốt cao đơn thuần có thể gây tổn thương cấu trúc não.

Tỷ lệ  trẻ em bị co giật do sốt cao chuyển thành động kinh rất thấp (dưới 1%), chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhi tiền sử gia đình có người bị động kinh.

2. Gardenal là thuốc gì?

Gardenal là biệt dược phổ biến nhất của Phenobarbital  ở Việt Nam hiện nay. Phenobarbital là thuốc chống co giật, an thần và gây ngủ. Dạng thuốc viên chủ yếu dùng điều trị động kinh. Ngoài ra còn dùng làm thuốc tiền mê, điều trị vàng da sơ sinh.

Gardenal là thuốc thuộc diện quản lý đặc biệt theo quy chế quản lý thuốc hướng tâm thần. Thuốc này thường không có bán ở các nhà thuốc, quầy thuốc, chỉ phổ biến ở trong bệnh viện và một số cơ sở y tế được cấp phép.

3. Trẻ bị co giật do sốt cao không nên uống Gardenal vì những lý do dưới đây.

Thứ nhất, thời gian trẻ co giật do sốt cao ngắn (dưới 15 phút, thường chỉ vài giây cho đến vài chục giây). Như vậy cơn co giật của trẻ sẽ kết thúc trước khi thuốc kịp phát huy bất cứ tác dụng nào.

Thứ hai, Gardenal không có tác dụng phòng ngừa cơn co giật do sốt cao ở trẻ em trong những lần tiếp theo. Cách hữu hiệu nhất để phòng ngừa là kiểm soát thân nhiệt của trẻ (chườm khăn mát, nới lỏng quần áo, uống thuốc hạ sốt như Paracetamol (Panadol, Hapacol, Efferalgan,...), Ibuprofen (Sotstop, Nurofen,...)).

Thứ ba, Gardenal gây độc cho hệ thần kinh của trẻ. Thuốc gây ức chế thần kinh trung ương khiến trẻ buồn ngủ, lơ mơ, rung giật nhãn cầu, mất điều hòa động tác, gây cảm giác sợ hãi ở trẻ. Gardenal cũng có thể tạo hồng cẩu khổng lồ trong máu ngoại vi hoặc gây dị ứng.

Tóm lại, trẻ bị co giật do sốt cao đơn thuần không nên dùng Gardenal. Khi trẻ bị co giật sốt cao, cần để bé nằm nghỉ ngơi ở nơi thoáng đãng, tránh đông người xúm quanh trẻ nhỏ. Có thể dùng khăn xô mềm để khóe miệng để trẻ không cắn vào lưỡi. Hãy bình tĩnh để trẻ qua cơn co giật rồi đưa bé đi bệnh viện. Nhắc lại một lần nữa, Gardenal không có ích gì trong trường hợp này.

Post Bottom Ad