Bệnh vảy nến (vẩy nến) là một căn bệnh viêm da mãn tính. Triệu chứng điển hình là việc hình thành các mảng ngứa, đỏ trên da đồng thời da vùng đó dày lên, xuất hiện các vảy da màu trắng (vảy nến). Vị trí tổn thương phổ biến nhất của bệnh vảy nến là vùng da khuỷu tay, đầu gối và da đầu. Bệnh vảy nến là bệnh tự miễn, không lây. Hiện nay bệnh gần như không chữa khỏi dứt điểm được nhưng có thể kiểm soát hiệu quả bằng thuốc.
Bệnh vảy nến hiện nay có thể kiểm soát hiệu quả bằng dùng thuốc |
Có nhiều lựa chọn điều trị bệnh vảy nến hiệu quả. Việc lựa chọn thuốc nào phụ thuộc phần lớn vào loại bệnh, mức độ nghiêm trọng và vị trí tổn thương trên da. Đối với bệnh nhẹ và chỉ xuất hiện một số vùng nhỏ trên da (dưới 10% bề mặt da của cơ thể) thì các phương pháp điều trị tại chỗ cho kết quả tốt và giảm thiểu được tác dụng phụ. Lúc này các loại thuốc mỡ, thuốc xịt sẽ phát huy tác dụng. Đôi khi cũng có thể tiêm cục bộ một lượng thuốc chống viêm Steroid (glucocorticoid) vừa đủ lên vị trí tổn thương. Đối với bệnh vừa đến nặng, có thể cần tới các thuốc phát huy tác dụng toàn thân (thuốc uống, thuốc tiêm) và, hoặc chiếu tia tử ngoại.
Bệnh vảy nến là bệnh mãn tính vì thế việc kiểm soát tác dụng phụ của thuốc rất quan trọng. Việc luân phiên sử dụng các thuốc trong phác đồ điều trị vảy nến là rất phổ biến. Các thuốc điều trị vảy nến hiệu quả và phổ biến nhất hiện nay có thể kể tới như sau:
1. Thuốc điều trị tại chỗ (thuốc mỡ, kem bôi da, thuốc xịt,...)
Các thuốc chống viêm Steroid tại chỗ
- Các thuốc chống viêm Steroid (glucocorticoid) tại chỗ rất hữu ích và thường là thuốc đầu tay trong điều trị bệnh vảy nến. Chúng có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, chống ngứa, ức chế miễn dịch nên cực hiệu quả trong điều trị triệu chứng bệnh vảy nến.
- Các chế phẩm Corticoid điều trị tại chỗ hiện nay rất phong phú, bao gồm dạng thuốc mỡ, thuốc xịt, dầu gội đầu. Một số thuốc mỡ Corticoid điều trị vảy nến phổ biến tại Việt Nam hiện nay có thể kể tới là Eumovate, Dermovate, Temprosone, Beprosalic, Dibetalic,...
Vitamin D dạng kem bôi
Những nghiên cứu gần đây cho thấy vitamin D rất hiệu quả trong việc điều trị bệnh vảy nến. Vitamin D có tác dụng thúc đẩy cơ thể tạo các hợp chất chống viêm, giảm hình thành các tế bào sừng trên da.
Thuốc làm bạt sừng
Kem bôi da có chứa Acid salicylic, acid lactic giúp làm bạt sừng tại vị trí bị bệnh giúp làm giảm triệu chứng viêm ngứa đồng thời giúp ngấm thuốc tốt hơn vào tổ chức viêm.
Kem dưỡng ẩm
Kem dưỡng ẩm làm mềm da giúp giảm đau, ngứa và giảm sự khó chịu tại vị trí tổn thương. Ưu điểm tuyệt vời của kem dưỡng ẩm là gần như không gây tác dụng phụ gì đối với người bệnh.
Thuốc ức chế miễn dịch
Do là bệnh tự miễn nên một số thuốc ức chế miễn dịch tại chỗ có thể được sử dụng. Tuy nhiên việc sử dụng các thuốc này hiện nay còn nhiều tranh cãi do lo ngại các tác dụng phụ nghiêm trọng của nó như nhiễm trùng da, ung thư da.
Thuốc mỡ Anthralin
Đây là thuốc mỡ có tác dụng làm chậm sự tăng sinh tế bào da. Việc sử dụng thuốc mỡ Anthralin thường được phối hợp với liệu pháp chiếu tia cực tím để tăng cường hiệu quả điều trị bệnh.
2. Thuốc điều trị toàn thân
- Thuốc uống bao gồm methotrexate, acitretin, cyclosporine và một số loại khác kém phổ biến hơn.
- Corticoid đường uống thường không được sử dụng trong điều trị vảy nến bởi vì thời gian dùng kéo dài sẽ gây nhiều tác dụng bất lợi nghiêm trọng trên toàn thân.
Methotrexate
Methotrexate là một thuốc ức chế miễn dịch. Nó thường được sử dụng để điều trị ung thư và các bệnh tự miễn. Trong nhiều năm nay, methotrexate cho thấy hiệu quả trong điều trị bệnh vảy nến. Nó thường được dùng với liều lượng nhỏ hàng tuần (5- 25 mg) bằng đường uống hoặc tiêm.
Acitretin
Acitretin là một thuốc tương tự vitamin A. Nó làm giảm sản xuất tế bào da, làm giảm số lượng "vảy nến" ở vùng da bị tổn thương. Acitretin thường được sử dụng cho một số trường hợp vảy nến nặng và việc sử dụng loại thuốc này cần được giám sát chặt chẽ, đặc biệt với phụ nữ. Bệnh nhân không nên mang thai trong khi dùng thuốc này và thường phải tránh mang thai ít nhất sau 3 năm ngưng sử dụng.
Cyclosporin
Cyclosporin là thuốc ức chế miễn dịch mạnh, được dùng nhiều trong một số bệnh lý miễn dịch như Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh viêm khớp dạng thấp hay chống thải ghép sau khi ghép tạng. Cyclosporin cũng cho thấy hiệu quả tốt trên một số bệnh nhân vảy nến nặng, diện rộng.
Trên đây là các thuốc điều trị bệnh vảy nến hiệu quả và phổ biến nhất. Ngoài việc dùng thuốc, hiện nay người ta còn sử dụng nhiều liệu pháp hỗ trợ điều trị như dùng tia cực tím, tắm muối hay dùng than. Gần đây nhất cục quản lý dược, thực phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt một loại thuốc dạng uống điều trị bệnh vảy nến có tên apremilast. Đây là thuốc có cơ chế điều trị hoàn toàn mới và đem lại nhiều hy vọng cho các bệnh nhân mắc bệnh vảy nến. Tuy nhiên, việc lưu hành và áp dụng loại thuốc này tại Việt Nam có lẽ phải chờ một thời gian nữa.
(Nguồn: https://www.medicinenet.com/psoriasis/article.htm#what_is_the_long-term_prognosis_with_psoriasis_what_are_complications_of_psoriasis)