Top 5 sai lầm trong dùng thuốc hạ sốt - THÔNG TIN THUỐC

THÔNG TIN THUỐC

Chia sẻ thông tin thuốc, tư vấn sử dụng thuốc, cảnh giác dược.

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Monday, June 4, 2018

Top 5 sai lầm trong dùng thuốc hạ sốt

Sốt là phản ứng thường gặp, nhiều hơn ở trẻ nhỏ. Sốt thông thường là tự khỏi mà không cần dùng thuốc tuy nhiên cũng có thể gây co giật hoặc nguy hiểm tính mạng. Trong thực tế ở Việt Nam, đa số tự ý dùng thuốc hạ sốt cho bản thân và con cái  mà không cần chỉ định của bác sỹ. Nhiều người còn dùng thuốc sai. Dưới đây là top 5 sai lầm trong dùng thuốc hạ sốt phổ biến nhất.

Còn nhiều sai lầm phổ biến trong việc dùng thuốc hạ sốt hiện nay
Còn nhiều sai lầm phổ biến trong việc dùng thuốc hạ sốt hiện nay

1. Dùng thuốc hạ sốt khi chưa cần thiết

Dùng thuốc hạ sốt khi chưa sốt hoặc sốt nhẹ (dưới 38,5 độ) là chưa cần thiết. Về bản chất, sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể giúp cơ thể chống lại nhiễm khuẩn hoặc một số nguyên nhân gây sốt khác. Phản ứng sốt sinh ra một số chất thu hút bạch cầu tới vị trí có nhiễm khuẩn để tiêu diệt. Sốt nhẹ có thể coi là một bài tập giúp cho hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh lên. Vì thế, việc dùng thuốc hạ sốt khi chưa sốt hoặc sốt nhẹ là không cần thiết và không có lợi cho sức khỏe hệ miễn dịch. Nguyên tắc, chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi thân nhiệt từ 38,5 độ C trở lên. Còn khi sốt nhẹ, nên dùng các biện pháp khác như nới lỏng áo quần, chườm mát,....

2. Tự ý dùng thuốc hạ sốt liên tục kéo dài

Không được tự ý dùng thuốc hạ sốt liên tục kéo dài. Nếu bản thân hoặc trẻ bị sốt liên tục từ 3 ngày trở lên thì cần đến bác sỹ để được chẩn đoán và điều trị. Sốt kéo dài liên tục thường là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, không thể điều trị được bằng việc dùng thuốc hạ sốt giảm đau đơn thuần.

3. Hạ sốt bằng cách uống hoặc tiêm thuốc chống viêm Steroid (Corticoid)

Đây là sai lầm hết sức tai hại trong xử trí sốt nhưng lại thường gặp ở các nhân viên y tế. Sở dĩ thuốc chống viêm Steroid (corticoid) có tác dụng hạ sốt là do tác động lên hệ thống miễn dịch, gây ức chế khiến hệ thống miễn dịch không đủ mạnh để phản ứng lại tác nhân gây sốt. Do đó mà phản ứng sốt không xảy ra.

Dùng thuốc chống viêm Steroid (ví dụ: Solu Medrol) bừa bãi khiến cho tình trạng bệnh kéo dài thậm chí tiến triển nặng lên do hệ miễn dịch cơ thể bị ức chế, dễ bị đánh bại bởi các vi sinh vật gây bệnh khác. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc chống viêm Steroid còn có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn nghiêm trọng khác.

4. Điều trị sốt xuất huyết bằng thuốc hạ sốt không phải Paracetamol

Ngoại trừ Paracetamol, các thuốc giảm đau, hạ sốt chống viêm nhóm non Steroid khác nói chung đều có tác dụng phụ chống kết tập tiểu cầu. Vì thế khi dùng các thuốc này cho sốt xuất huyết thì rất nguy hiểm vì nó làm nặng thêm tình trạng xuất huyết.

Các thuốc hạ sốt phổ biến không phải Paracetamol có thể kể tới: Aspirin, Ibuprofen (Mofen, Nurofen, Ibrafen, Sotstop...).

5. Sai lầm về thuốc hạ sốt "nặng", thuốc hạ sốt "nhẹ"

Thuốc hạ sốt phổ biến và được đánh giá tốt nhất hiện tại vẫn là Paracetamol (Panadol, Hapacol, Efferalgan,...). Paracetamol hiện nay có nhiều biệt dược và nhiều dạng bào chế. Nhiều người lầm tưởng thuốc hạ sốt dạng thuốc bột, viên nén là loại "nhẹ", dùng cho trường hợp sốt nhẹ. Ngược lại, thuốc hạ sốt dạng viên sủi là loại "nặng" hơn  và nặng nhất là thuốc viên đạn (đặt trực tràng). Thực tế, nặng hay nhẹ không phụ thuộc vào dạng bào chế mà phụ thuộc vào hàm lượng.

Trên đây là top 5 sai lầm trong dùng thuốc hạ sốt phổ biến nhất. Để tránh mắc phải những sai lầm như vậy, cần thận trọng khi dùng bất cứ loại thuốc nào. Việc xem kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc là hết sức cần thiết và tốt hơn hết là nên theo chỉ định của bác sỹ.

Post Bottom Ad